Nghệ Sĩ Ưu Tú Thế Hiển và hành trình đến “Campuchia”

Vừa qua, ca sĩ- nhạc sĩ- NSƯT Thế Hiển đã cùng Hội Nhạc Sĩ Việt Nam tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác, thăm lại Campuchia. Đoàn đã đến viếng Tượng Đài Hữu Nghị Việt Nam-Campuchia ở tỉnh Battambang để ghi nhớ Những người lính Việt Nam đã giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của Pônpốt-IngXêri; thăm và chụp hình lưu niệm tại Đài Hữu Nghị Việt Nam- Campuchia tại thủ đô Pnompênh- Vương Quốc Campuchia…

Hội Hữu Nghị Việt Nam-Campuchia và Hội Nhạc Sĩ Việt Nam chụp hình lưu niệm tại Đài Hữu Nghị Việt Nam- Campuchia thủ đô Pnompênh (Vương Quốc Campuchia)

Có thể nói vùng đất Campuchia đã khơi lên nhiều dấu ấn, kỷ niệm khó quên với những ai đã từng đến, sinh sống, làm việc,… ở Campuchia. Nhất là với ca sĩ- nhạc sĩ- NSƯT Thế Hiển, chính nơi đây đã tạo nên sức sống mạnh liệt, chất chứa biết bao tình cảm thiêng liêng, quý báu, ca sĩ- nhạc sĩ- NSƯT Thế Hiển đã cho ra đời nhạc phẩm đi vào huyền thoại âm nhạc Việt nam, đó là “Nhánh lan rừng”.

Hình ảnh nhánh lan rừng vẫn sống, vẫn ra hoa giữa rừng cây chết cháy vì bom đạn và câu chuyện xúc động của người lính trẻ đó đã khiến Thế Hiển xúc động, những giai điệu của "Nhánh lan rừng" từ đó ùa về trong nguồn cảm hứng dạt dào: “Về thăm thành phố náo nức mùa xuân. Ba lô trên lưng đơn sơ nhánh lan rừng. Có người chiến sĩ áo vương bụi đường xa, đi giữa dòng người trên phố phường đông vui”.

Lời bài hát đã in đậm hình ảnh chiến sĩ mang ba lô cài nhánh lan rừng náo nức đi về thành phố giữa mùa xuân thật đẹp và ý nghĩa. Nó tượng trưng cho niềm tin yêu, sự lạc quan vào một ngày mai sum họp. Thế nhưng, chiến tranh ác liệt, có được bao người lính mang nhánh lan rừng về sum họp với gia đình, với người yêu? Có những người đã nằm xuống, mãi lỡ hẹn với mùa xuân, với mối tình đẹp như nhánh lan rừng.

NSƯT Thế Hiển và ảnh chụp tại Campuchia

NSƯT Thế Hiển cho biết, vào năm 1986, Thế Hiển cùng nhóm xung kích Đoàn ca múa nhạc Bông Sen đi biểu diễn phục vụ bộ đội tình nguyện Việt Nam tại mặt trận 479 ở Campuchia. Tuy chỉ có 10 ngày cùng sống và hát biểu diễn với anh em chiến sĩ nhưng cũng chính tại đây, Thế Hiển nhận ra tinh thần lạc quan, yêu đời và những mơ ước đơn sơ, giản dị của người lính chiến đấu xa quê hương… Thời ấy, ở rừng Xiêm Rệp, hoa lan đua nhau nở, nhất là giữa những vách núi chênh vênh 2 bên bờ suối. Sau những giờ hành quân, chiến sĩ rủ nhau đi tìm nhánh lan rừng đẹp nhất về treo quanh lán trại. Anh vẫn nhớ như in có một chiến sĩ quê ở TP.HCM khoe: “Anh Hiển ơi! Em sắp được về phép rồi. Lúc đó, em sẽ mang nhánh lan rừng về tặng cho người yêu. Em ước mơ và chờ mong được trở về thành phố vào mùa xuân này”.

Hình ảnh người lính quên thân vì nước, chiến đấu anh dũng ở chiến trường Xiêm Riệp (Campuchia) đã được thể hiện sinh dộng qua từng ca từ trong nhạc phẩm “Nhánh lan rừng”: “…Gửi muôn lời hát trong tâm tư người lính trẻ, vẫn hẹn ngày trở về trọn vẹn bao ước mơ…”. Như một lời hẹn sẽ trở về trong chiến thắng huy hoàng, xóa sạch bóng quân Pônpốt hung tàn.

Từ phải sang: NSƯT Thế Hiển, tác giả và đạo diễn Võ Phước

Có lẽ người yêu nhạc Việt Nam không bao giờ quên hình ảnh người lính Việt Nam, tiếp sức Campuchia đánh tan quân diệt chủng Pônpốt từ bài hát “Nhánh lan rừng” của ca sĩ- nhạc sĩ- NSƯT Thế Hiển. Để thay lời kết cho bài viết, xin được gửi lời biết ơn trân trọng, chân thành nhất đến với ca sĩ- nhạc sĩ- NSƯT Thế Hiển, người đã viết nên nhạc phẩm bất tử “Nhánh lan rừng”. 

TRƯƠNG VĨNH ANH DUY


NSƯT Thế Hiển, cho biết: “ Nhánh lan rừng! 40 năm giải phóng Campuchia… Tôi nhớ mãi năm 1986, tôi nhận nhiệm vụ sang Mặt trận 479 Xiêm Rệp để hát phục vụ bộ đội tình nguyện. Hi sinh, máu và nước mắt biết bao chiến sĩ giữa cuộc chiến một mất một còn... Những nhánh lan rừng treo ở lán trại để rồi nuôi ước mơ chiến đấu toàn thắng và phải trở về... Nhánh lan rừng là máu của hạnh phúc hôm nay... ngày mai... và mãi mãi...”.