Mẹ 'thần đồng' Nhật Nam dạy tiếng Anh cho con như thế nào

Mẹ 'thần đồng' Nhật Nam dạy tiếng Anh cho con như thế nào

Thay vì ngồi vào bàn học, Nhật Nam cùng mẹ vào bếp nấu món ăn em yêu 

Mẹ 'thần đồng' Nhật Nam chia sẻ cách dạy con học tiếng Anh.

3 tháng trước khi Nhật Nam vào lớp 1, chị Điệp đưa con đến học ở một trung tâm dạy tiếng Anh cho trẻ em thông qua các trò chơi. Buổi đầu đi học về, người mẹ thấy con có vẻ buồn, không thích học. Tìm hiểu ra, chị biết vì con không được học trước nên theo chậm so với các bạn cùng lớp.

Thay vì về nhà kèm cặp con trên bàn học, suốt một tháng chị Điệp tới trung tâm tiếng Anh để xem cô giáo dạy trò chơi gì và về nhà áp dụng lại với con. Dần dà, chị cùng Nhật Nam tự sáng tạo ra các trò khác để cùng chơi, cùng học. Nhiều trò chơi để học tiếng Anh giữa chị Điệp và Nhật Nam được "thần đồng" ghi lại trong cuốn sách Tớ đã học tiếng Anh như thế nào.

"Nhắm mắt đoán mẫu, trò này cực dễ nhưng cực vui. Thế này nhé, tớ và mẹ ngồi trước một cái hộp đựng rất nhiều bút chì màu. Oẳn tù tì xem ai sẽ chơi trước. Người chơi sẽ nhắm mắt và rút một chiếc bút bất kì, sau đó sẽ được hỏi người kia bằng ba câu tiếng Anh dưới dạng Yes/No Question (câu hỏi đúng/sai), ví dụ: Is it red? Và đến câu cuối cùng thì phải nói là chiếc bút đó màu gì. Kết thúc trò chơi ai đoán được nhiều bút hơn là thắng… Trong tiếng Anh, việc đặt câu hỏi thường khó hơn những câu miêu tả vì thế trò chơi này rất có lợi", Nhật Nam viết trong cuốn sách chia sẻ cách em học tiếng Anh.

Một trò chơi khác mẹ con Nhật Nam áp dụng là "Gắp từ". Người chơi sẽ phải nhanh tay khoanh các chữ tiếng Anh ở cùng một chủ đề được ghi lẫn lộn với nhiều từ khác trong cùng một tờ giấy. Ai tìm ra nhiều từ hơn trong cùng một khoảng thời gian sẽ thắng. Trò chơi này tốt cho việc tăng vốn từ vựng.

Ngoài cùng con tổ chức các trò chơi để học tiếng Anh, chị Phan Hồ Điệp còn áp dụng phương pháp học trải nghiệm. Bởi Nam rất thích ăn uống nên chị khuyến khích con lên mạng tìm các video dạy nấu ăn nói bằng tiếng Anh để học theo. Những video này, vừa nói vừa có thực hành nên việc nghe tiếng Anh sẽ dễ hiểu hơn. Nam sau đó cùng mẹ vào bếp, nấu theo sự hướng dẫn của em. Tất cả giao tiếp bằng tiếng Anh.

"Việc học tiếng Anh khi đó của mình và Nam chuyển từ ngồi ở bàn học sang làm bếp. Nam cứ nói, mẹ cứ làm và hai mẹ con trao đổi với nhau bằng tiếng Anh và sau đó thành món gì thì ăn món đó. Nam vô cùng thích thú với những giờ học như thế và nó kéo dài được rất lâu", chị Điệp chia sẻ.


Đỗ Nhật Nam và mẹ. 

Với khả năng ngôn ngữ thiên phú, sự hứng thú, chăm chỉ học tập của bản thân cùng phương pháp dạy thú vị của mẹ, kết thúc khóa học tiếng Anh đầu tiên, Nhật Nam từ người học muộn nhất lớp đã vươn lên giành điểm số cao nhất và nhận học bổng của trung tâm.

Cậu bé sinh năm 2001 sau đó được coi là "thần đồng" khi luôn đạt điểm tuyệt đối trong các kỳ thi của Đại học Cambridge: Starter, Movers, Flyers (15/15) trong năm học lớp 1. Năm lớp 2 em thi TOEIC đạt 940/990 điểm, lớp 3 thi TOEFLT ITP đạt 617 điểm, lớp 4 thi TOEFLT IBT đạt 107 điểm và lớp 5 thi IELTS đạt 8.0 với điểm reading đạt tuyệt đối 9.0.

Nhật Nam còn đạt được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi tiếng Anh, hùng biện trong nước và quốc tế... Em hai lần được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam là Dịch giả nhỏ tuổi nhất và Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất.

Khi sang Mỹ du học, Nhật Nam liên tiếp nhận được thư chúc mừng của Tổng thống Mỹ Barack Obama vì đạt giải thưởng giáo dục; Bằng khen của trung tâm đào tạo tài năng trẻ John Hopkin; giải nhất hạng mục thuyết trình của Liên hiệp các trường phổ thông trong toàn thành phố Dallas với 8 điểm tuyệt đối từ 8 giám khảo.

Tháng 3 vừa qua, em giành giải ba hạng mục "Nguyên tắc quản trị kinh doanh" trong kỳ thi DECA có quy mô toàn quốc dành cho những học sinh, sinh viên đang sống và học tập tại Mỹ ở lĩnh vực tài chính kinh doanh, khách sạn, quản lý.

Hiện Nhật Nam học tại trường THPT Church Farm School, bang Pennsylvania, Mỹ.