Thiên Long với “Đời nghệ sĩ”

Ngót nghét đã 30 năm, là một nghệ sĩ gắn bó với ánh đèn sân khấu từ thập niên 90, nghệ sĩ Thiên Long là một cái tên quá đỗi quen thuộc với sân khấu biểu diễn cũng như trong lòng người hâm mộ.  Từng rời bỏ quê nhà Cần Đước- Long An đến Sài Gòn, vừa đi làm vừa xin vào đoàn hát để được thỏa mãn niềm đam mê ca hát, tham gia nhiều vai trong các vở tuồng: Trần Quốc Toản Ra Quân, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài,… của nhóm Đồng Ấu Bạch Long. Rồi chứng kiến biết bao thăng trầm của sân khấu, người nghệ sĩ, cống hiến hết đam mê, tâm nguyện cho nghệ thuật,… 


Nghệ sĩ Thiên Long, ca sĩ Lưu Trúc Ly, ca sĩ Hồng Phượng, Long Hồ,… tham gia biểu diễn phục vụ người hâm mộ ở Phan Thiết- Bình Thuận

Có thời gian Thiên Long phải chuyển sang hát ca nhạc (vì cải lương không còn được mến mộ như thời gian trước), với nhiều nhạc phẩm đã đưa Thiên Long đến gần với khán giả hơn như: Chàng trai si tình (Trúc Phương), Hạnh phúc quanh đây (Nguyễn Nam), Tình cờ (Diệp Minh Tuyền), Trách ai vô tình (Nhật Ngân), Tiền (Ngọc Sơn),… đến nơi nào biểu diễn, Thiên Long cũng được khán giả yêu cầu trình bày những ca khúc này.

 

Tác phẩm “Đời nghệ sĩ” của nghệ sĩ Thiên Long

Mới đây, Thiên Long cho biết vừa hoàn thành xong bài ca vọng cổ “Đời nghệ sĩ”, chưa kịp thu âm, viết để người hâm mộ hiểu nhiều hơn cuộc đời người nghệ sĩ như kiếp “tằm nhả tơ”… Mở đầu cho bài vọng cổ “Đời nghệ sĩ”, Thiên Long đã tái hiện hình ảnh thường gặp ở mỗi đêm diễn: “Khi cánh màn nhung khép lại rồi- Chỉ còn hiu hắt nỗi cô đơn- Xiêm y trả lại cho sân khấu- Cả những niềm vui lẫn ngậm ngùi…”. Đó cũng là nỗi niềm của người nghệ sĩ, có thể trên sân khấu họ là ông hoàng, công chúa,… Nhưng khi vở diễn kết thúc thì có lẽ không còn ai nhìn thấy họ như đã gặp trên sân khấu vừa được xem.

 

Nghệ sĩ Thiên Long (trái) biểu diễn tại NVH Thanh Niên TP.HCM đêm 02/11/2019

Đến đoạn vào câu vọng cổ, Thiên Long cũng không ngần ngại nói lên nỗi chua xót của người nghệ sĩ là: “Trong hàng vạn khán giả bỏ tiền ra để mua vui bằng những tấn tuồng trên sân khấu. Có mấy ai cảm thông được nỗi lòng người nghệ sĩ khi cánh màn nhung khép lại phía... sau... rồi...”. Hoặc: “…hàng ghế trống trơn, sàn diển cũng lạnh lùng. Sau những phút giây hết mình đem niềm vui cho khán giả, giờ chỉ còn nỗi trống vắng cô đơn. Với những lo toan vất vả đời thường, cuộc sống, tương lai, miếng cơm, manh áo. Khi cởi trả những cân đai áo mão, sao tránh khỏi ngậm ngùi trong lòng nguời nghệ sĩ…”.

 

Nghệ sĩ Thiên Long và đông đảo nghệ sĩ, ca sĩ tham gia chương trình “Yêu hết con tim”

Rồi đến đoạn cao trào: “…Như kiếp tằm đã chọn cho mình nghiệp dĩ, đêm từng đêm họ rút ruột nhả tơ dâng tặng cho đời. Họ cũng có những buồn vui của một kiếp con người. Có khác chăng là họ được quyền hóa thân trên sân khấu, được sống hết mình trong vai: hờn, giận, ghét, yêu. Có lúc phải cợt đùa mà lòng buồn biết bao nhiêu, những lúc khóc đâu phải là giả dối. Ai biết được bao nhọc nhẳn họ từng nếm trãi. Để đem lại tiếng cười cho khán giả đêm đêm. Rồi khi thanh sắc không còn nữa, son phấn tàn phai buổi xế chiều, Giã từ sân khấu ai còn nhớ ? Một đời nghệ sĩ kiếp cầm ca…”.

 

Nghệ sĩ Thiên Long và ca sĩ Lưu Trúc Ly tham dự đêm dạ tiệc của Hoa hậu Doanh nhân thành đạt Vickie-D-Chang

Thật tha thiết, chất chứa bao nỗi niềm, tâm sự của ngườu nghệ sĩ, hạnh phúc khi được đứng trên sân khấu mang đến niềm vui thưởng ngoạn nghệ thuật cho người hâm mộ, bên cạnh đó, người nghệ sĩ cũng chịu nhiều hi sinh, thiệt thòi,… như Thiên Long đã viết trong lời ca vọng cổ: “…Còn nỗi buồn nào hơn khi người nghệ sĩ phải lìa xa ánh đèn sân khấu. Nơi mà suốt mấy mươi năm, đã gắn bó tuổi thanh xuân cho đến khi nhan sắc... phai... tàn...”. Được biết, Thiên Long sẽ trình bày ca cổ “Đời nghệ sĩ” vào dịp biểu diễn gần đây nhất, có thể là vào đêm 20/11/2019 tại Vĩnh Long. Xin chúc mừng nghệ sĩ Thiên Long với đứa con tinh thần của mình đã được chỉn chu, chuẩn bị ra mắt cùng người hâm mộ về “Đời nghệ sĩ”.

DUY ANH