Mãn nhãn với đêm mở màn Kịch cùng Bolero 2018

Chỉ mới phát sóng tập đầu tiên nhưng Kịch cùng Bolero 2018 đã cho thấy sức hấp dẫn, đáng xem của mùa thứ 2 với tài năng và sáng tạo nghệ thuật của các đạo diễn trẻ. Tiết mục của đạo diễn Minh Nhật nhận được số điểm cao nhất đêm đầu tiên là 29 điểm. 


Tiết mục của đạo diễn Minh Nhật

Ngay đêm mở màn, Minh Nhật – chàng trai vừa đạt giải Đạo diễn trẻ triển vọng tại Liên hoan Kịch nói 2018 - đã “đốn tim” giám khảo với câu chuyện ngôn tình đẫm nước mắt. Không kém cạnh, đạo diễn cá tính Thái Kim Tùng cũng đã thể hiện được bản lĩnh nhà nghề và chất riêng của mình, hứa hẹn sẽ là nhân tố đáng gờm của chương trình năm nay. Nữ đạo diễn duy nhất của đêm mở màn Thùy Dương tuy có phần khởi động chưa được suôn sẻ song cô vẫn còn nhiều cơ hội để bứt phá. Sự trở lại của 2 đạo diễn Ngọc Duyên và Vũ Trần (Quán quân và Á quân mùa đầu tiên) trong vai trò MC cũng làm tăng thêm sự thú vị của mùa 2. Tuy không phải là MC chuyên nghiệp nhưng thế mạnh của 2 đạo diễn đó là giọng nói tốt và sự am hiểu về nghề nên có thể nói đây là lựa chọn khá chính xác của chương trình năm nay. 


Đạo diễn Minh Nhật

Đạo diễn trẻ triển vọng Minh Nhật khiến người xem không cầm được nước mắt với tác phẩm Thanh Xuân Của Mẹ: Với chủ để “Tuổi trẻ không bao giờ trở lại”, đạo diễn Minh Nhật mang đến vở kịch Thanh xuân của mẹ do anh đạo diễn và viết kịch bản. Tiết mục là câu chuyện cảm động về tình yêu của ông Nghĩa và bà Hồng. Ngày còn trẻ, ông Nghĩa làm bảo vệ cho một vũ trường và đem lòng yêu cô ca sĩ tên Hồng. Vì hám tiền, má mì của vũ trường đã thông đồng cùng gã khách đồi bại đã lén bỏ thuốc mê và cưỡng hiếp khiến Hồng có thai. Sau việc đó, Hồng bỏ trốn khỏi vũ trường, sinh con và sống bằng nghề bán quán cóc ven đường. Nghĩa cũng bỏ công việc bảo vệ, đi đạp xích lô để ngày ngày được sống bên cạnh và chăm sóc cho mẹ con Hồng. Anh vẫn một lòng yêu Hồng và thương cô con gái Bình An của Hồng như con ruột, tuy nhiên do mặc cảm Hồng vẫn không đáp lại. Một ngày nọ, con gái của Hồng bị bệnh nặng cần 1 số tiền lớn để chữa trị, Nghĩa vừa đạp xích lô vừa đi buôn hàng lậu để kiếm tiền cho Hồng. Không muốn Nghĩa làm chuyện phi pháp, hy sinh cả tính mạng cho mình, Hồng quyết định trở về vũ trường làm ca kỹ, kiếm tiền nuôi con. Nghĩa vẫn quyết tâm chờ Hồng, chờ đến  ngày con gái của cô trưởng thành, cả hai sẽ đến với nhau. 


Thời gian đằng đẵng thôi, ông Nghĩa nay đã trở thành ông lão 70, vẫn ngày ngày đạp xích lô kiếm sống, còn bà Hồng cũng đã già nua ốm yếu. Cô con gái Bình An ngày nào nay đã trưởng thành. Nhìn thấy con thành đạt, bà Hồng yên tâm thực hiện lời hứa năm xưa với ông Nghĩa. Bà quyết định khăn gói ra đi cùng ông nhưng Bình An không chấp nhận và buông lời cay nghiệt. Dẫu rất đau lòng nhưng bà Hồng vẫn quyết định ra đi để bù đắp lại chân tình của người đã dành cả thanh xuân cho mình. Trước khi đi, bà gửi lời nhắn đến con gái rằng bà đã sống hết mình cho tuổi trẻ, làm những điều mà 1 người mẹ trẻ phải làm cho con của mình và gánh chịu những sai lầm. Tuy nhiên, do tuổi cao sức yếu, bà Hồng đã ra đi vĩnh viễn trên chiếc xích lô của người đàn ông yêu thương bà đến trọn đời. 


Vở kịch của đạo diễn Minh Nhật đã chạm đến trái tim người xem khiến cả 3 giám khảo và 2 MC không cầm được nước mắt. Diễn xuất của Công Danh và Hồng Trang trong vai Nghĩa và Hồng lúc trẻ đã chiếm trọn trái tim người xem. Chi tiết anh chàng xích lô Công Danh vất vả đạp xe để mua cho bà Hồng đôi dép mới, thay cho đôi dép mủ đứt quay là cảnh ngôn tình nhất trong tiết mục. Cũng với hình ảnh đôi dép ấy, lúc Hồng quyết định quay trở lại vũ trường, không cần phải nói quá nhiều, Minh Nhật đã xử lý bằng hình ảnh bà má mì (Hồng Đào) đưa cho Hồng đôi giày cao gót và cô đã bỏ lại đôi dép mủ của mình. Một chi tiết vô cùng tinh tế, cũng như lúc Hồng chạy theo xe chở con gái của mình vào bệnh viện, những dải lụa trắng được thả xuống chắn lối, báo hiệu việc cô phải hy sinh tình yêu của mình để cứu lấy con gái. 


Trong vai ông Nghĩa, bà Hồng lúc về già đó là 2 NSƯT Mạnh Dung và Thanh Dậu. Diễn xuất của cả hai đã đẩy cảm xúc của vở kịch lên đến tận cùng, nhất là chi tiết NSƯT Mạnh Dung kéo xe xích lô đưa bà Hồng đi rồi bà trút hơi thở trên chiếc xe ấy, khán giả đã không cầm được nước mắt... Cùng với câu chuyện cảm động, các diễn viên trong vở kịch đã thể hiện các ca khúc Bolero ngọt ngào như: Tình nghèo có nhau (sáng tác Đài Phương Trang), Gõ cửa trái tim (sáng tác Vinh Sử), Tình đời (sáng tác Minh Kỳ - Vũ Chương), Tình lỡ (sáng tác Thanh Bình). 


Giám khảo NSƯT Hữu Quốc khen ngợi: “Đây mới chính là kịch cùng Bolero, mới vòng đầu tiên bạn đã mang đến những xúc cảm chân thật nhất. Cảm ơn vì bạn đã mời được 2 người thầy của chúng tôi là NSƯT Mạnh Dung và NSƯT Thanh Dậu, cùng với đó là diễn viên Công Danh xuất sắc cùng “nữ hoàng trợ diễn” Hồng Trang”. Giám khảo Việt Trinh bất ngờ: “Cái hay của em là sự tinh tế từ cách dàn dựng hình ảnh, nhạc, chiếc xe bán nước, em bé núp mưa… Không nghĩ rằng những người trẻ như em có được suy nghĩ như vậy”. NSƯT Công Ninh cũng đồng tình: “Em xử lý không gian rất giỏi, khi băng vải trắng buông xuống cảm giác như để tang cho 1 cuộc tình của đôi trai gái này. Cái kết xử lý thuyết phục, mang đủ chất nhân văn, lãng mạn được đẩy đến đỉnh điểm trong tiết mục”. Tiết mục của đạo diễn Minh Nhật nhận được số điểm cao nhất đêm đầu tiên: 29 điểm. 

Xem clip tiểu phẩm “Thanh Xuân Của Mẹ” tại:


Xúc động và tranh cãi với tác phẩm Tà dương sau đồi lộng gió của đạo diễn Thái Kim Tùng: Tác phẩm của đạo diễn Thái Kim Tùng mang tên Tà dương sau đồi lộng gió do anh dàn dựng, kịch bản của Trần Mỹ Trang. Vở kịch là câu chuyện tình yêu dang dở của Triết (Trung Dũng) và Hà (Hoài Thương). Cả hai yêu nhau và được gia đình 2 bên chấp nhận, chỉ chờ ngày Triết đi du học về sẽ cưới. Trước khi đi, Triết vẽ tặng Hà một bức tranh nhưng chưa kịp hoàn thành thì anh phải lên đường. Trong lúc chờ đợi Triết trở về thì gia đình Hà gặp biến cố, cha cô làm ăn thua lỗ buộc phải gả cô cho một gia đình giàu có để lấy tiền trả nợ. Vì chữ hiếu, Hà đành phụ tình của Triết. Khi biết Hà có chồng, Triết trở nên hận phụ nữ và lập nghiệp ở nước ngoài, trở thành một ông chủ phòng tranh giàu có. Hà có được một cuộc sống giàu sang và trở thành một trong những người giàu nhất Đà Lạt bên người chồng thương cô hết lòng. 


Tiết mục của đạo diễn Thái Kim Tùng

Sau nhiều năm, chồng Hà qua đời, cô vẫn ở vậy. Biết tin Triết chưa có vợ, Hà đã liên lạc mời Triết về nước. Ngày gặp lại, cả hai trào dâng cảm xúc, song lý do mà Hà muốn gặp lại Triết là để cho anh biết lý do cô phụ tình anh là vì chữ hiếu, chứ bản thân cô không phải kẻ phụ bạc. Hà muốn hóa giải sự cay nghiệt đè nặng trong lòng Triết bấy lâu để anh có thể làm lại cuộc đời mới. Hiểu được tấm lòng của Hà, Triết mong được nối lại tình xưa nhưng Hà không chấp nhận mà trả lại anh bức tranh dang dở ngày xưa, bởi bà muốn giữ trọn nghĩa với chồng và tình yêu ngày nào đã qua rồi như tuổi trẻ một đi không trở lại. Ông Triết ôm bức tranh định tình đau đớn khóc trong mưa với nỗi cô đơn khi không thể chạm tới người mình yêu. 


Vở kịch được Thái Kim Tùng dàn dựng với tiết tấu nhanh, nhiều cảm xúc và lời thoại của nhân vật Triết và Hà khá hay, khiến khán giả hồi hộp theo dõi diễn biến của câu chuyện tình trắc trở. Và một ưu điểm nữa của Thái Kim Tùng đó là anh xử lý nhạc rất hợp lý với các ca khúc Bolero đưa vào rất tự nhiên và phù hợp về nội dung như: Đà lạt hoàng hôn (sáng tác Minh Kỳ - Dạ Cầm), Nhật ký hai đứa mình (sáng tác Anh Bằng – Trúc Ly), Phút cuối (sáng tác Lam Phương)…Tuy nhiên, Thái Kim Tùng cũng gây tranh cãi với các giám khảo. Giám khảo Việt Trinh thắc mắc: “Tôi thích cách đạo diễn Thái Kim Tùng chọn diễn viên phù hợp với nhân vật. Tuy nhiên, có chi tiết trong câu chuyện là Triết đã vẽ 1 nửa bức tranh rồi đi du học nhưng tại sao bức tranh Hà ôm sau này lại là bức tranh trắng? Nếu là 1 khán giả bình thường xem không hiểu ý đồ của đạo diễn thì sao?”. Rất tự tin và cá tính, đạo diễn Thái Kim Tùng giải thích lý do anh sử dụng bức tranh trắng (thay vì vẽ 1 nửa như nội dung) là thủ pháp ước lệ, 1 bức tranh chưa hoàn thiện thì nó như một tờ giấy trắng, chưa có gì cả, nếu khán giả hiểu thì tốt còn nếu chưa hiểu thì họ có thể rủ nhau xem và bàn tán, điều đó cũng là cách để khán giả nhớ đến tác phẩm của anh nhiều hơn. 


Giám khảo NSƯT Hữu Quốc cũng đồng tình đạo diễn chọn nhân vật quá đẹp và có chất, tuy nhiên theo anh nên hóa trang cho nhân vật Hà già hơn để phù hợp với câu chuyện. Giám khảo NSƯT Công Ninh nhận xét: “Em tinh tế ở cách tổ chức không gian và bố cục, xử lý được những bài hát có nội dung phù hợp với nhân vật cũng như câu chuyện kịch. Chỉ tiếc là nhân vật Hà đoạn cuối di chuyển quá nhanh khi tiết tấu lời ca tiếng hát lại chậm. Toàn bộ cảnh trí tả thật nên cái tranh không thể là ước lệ, nếu em cho bức tranh được vẽ 1 nửa, cô ta đang bị bệnh nan y đếm từng ngày để tồn tại nên mời anh về thực hiện nguyện vọng cuối cùng và đến cuối cùng anh họa sĩ đã hoàn thành những đường nét cuối cùng trong mưa”. Tác phẩm của đạo diễn Thái Kim Tùng nhận được số điểm 27. 

Xem clip tiểu phẩm “Tà Dương Sau Đồi Lộng Gió” tại: 


Nhặt sạn trong tiết mục mở màn của đạo diễn Thùy Dương: Nhân vật đang hấp hối, bạn thân vẫn...đứng hát: Đạo diễn Thùy Dương sinh năm 1985, từng học khoa Diễn viên tại trường Đại học Sân Khấu Điện Ảnh TP.HCM. Cô đến với Kịch cùng Bolero để thử sức sáng tạo của mình trong dàn dựng. Tác phẩm của Thùy Dương mang tên Người đàn ông tôi yêu xoay quanh 3 người bạn học là An (Phúc An), Long (Lạc Hoàng Long) và Cường (Đinh Quốc Cường). Long đem lòng yêu An nhưng An lại yêu Cường. Nhiều lần bị An từ chối tình cảm, Long đem lòng thù hận và muốn trả đũa. Kiếm cớ đưa An về sau giờ bế giảng, Long chở An đến con đường vắng và định cưỡng hiếp. Tuy nhiên, trong lúc giằng co, An chỉ một mực kêu tên Cường khiến cho Long tức giận bỏ đi. Tuy nhiên, Long không ngờ rằng lúc đó có 2 gã thanh niên say rượu, thấy An một mình và quần áo bị xé rách nên đã thay nhau cưỡng hiếp cô. Hậu quả là An có thai ngoài ý muốn. Biết được điều đó nhưng Cường vẫn cưới An và làm cha đứa bé. 


Đạo diễn Thùy Dương

Sau nhiều năm, cả hai sống cùng nhau rất hạnh phúc bên cạnh cậu con trai kháu khỉnh. Cường trở thành 1 hiệp sĩ đường phố chuyên cứu giúp những người gặp nạn. Còn Long làm đủ nghề phi pháp để kiếm tiền. 10 năm sau, hắn tình cờ gặp lại An. Nhìn thấy An và Cường hạnh phúc, hắn lại đem lòng ganh ghét và tiếc nuối vì nếu năm xưa hắn không dừng tay lại thì có lẽ An đã là của hắn. Hắn chỉ điểm cho bọn giang hồ đến giết Cường. Và hắn đã thực hiện được mưu đồ của mình, nhưng đến lúc này An mới cho hắn biết chính hắn là kẻ đã khiến cô bị cưỡng hiếp tập thể 10 năm trước và Cường đã hy sinh, không ngại nuôi con dùm người khác cho cô. Lúc này, Long mới hối hận nhưng mọi việc đã muộn. 




Tiết mục sử dụng các ca khúc Lưu bút ngày xanh (sáng tác Thanh Sơn), Trong tầm mắt đời (sáng tác Tú Nhi), Khi đã yêu (sáng tác Nguyễn Văn Đông), Không giờ rồi (sáng tác Vinh Sử), Ăn năn (sáng tác HoàngTrang). Nhận xét về tiết mục, NSƯT Hữu Quốc cho rằng đạo diễn Thùy Dương chọn kịch bản không phù hợp, nhiều yếu tố không thuyết phục. NSƯT Công Ninh góp ý: “Khi Long quay lại gặp An không thể cho gọi nhau bằng tên được, phải gọi bằng “mày” mới xứng đáng với con người đó. Đoạn cuối khi biết hết mọi chuyện, Long không thể đứng yên mà hát được, nhiệm vụ của anh ta là phải ân hận quay lại cứu bạn mình, tính nhân văn nằm ở chỗ đó”. Giám khảo Việt Trinh động viên Thùy Dương còn ít sự va chạm trong dàn dựng nên chưa có nhiều kinh nghiệm và chúc cho nữ đạo diễn sẽ trưởng thành nhiều hơn qua chương trình, mạnh mẽ như đạo diễn Ngọc Duyên trong Kịch cùng Bolero 2017. Tiết mục của đạo diễn Thùy Dương nhận được 26 điểm. 

Xem clip tiểu phẩm “Người Đàn Ông Tôi Yêu”:


Sau tập ra mắt đầu tiên, khán giả đang háo hức chờ đợi màn trình làng của 3 đạo diễn còn lại trong tập 2 là đạo diễn Bảo Châu, đạo diễn Như Huỳnh và đạo diễn Minh Tuấn. 


Ban giám khảo Kịch cùng Bolero 2018


Đạo diễn Ngọc Duyên và đạo diễn Vũ Trần (Quán quân và  Á quân mùa đầu tiên) trong vai trò MC

Chương trình Kịch cùng Bolero 2018 do Đài Truyền hình Vĩnh Long và Công ty Truyền thông Khang phối hợp sản xuất với sự tài trợ của Bột giặt nhiệt ABA và Binky. Chương trình phát sóng định kỳ vào lúc 21h thứ Hai hàng tuần trên kênh THVL1. 

Nguồn: Tạp chí New LifeStyle