Du hành một mình: cô độc liệu có cô đơn?

Du hành một mình: cô độc liệu có cô đơn?

 Khi trào lưu du lịch, phượt ngày càng phổ biến, người người, nhà nhà “đua” nhau check – in những địa điểm nổi tiếng, khoe với nhau đã đóng được bao nhiêu dấu xuất cảnh liệu rằng chúng ta có tự nên hỏi: trong những chuyến độc hành đấy, mình có bao nhiêu phần hạnh phúc, có bao nhiêu nỗi cô đơn xâm lấn? Đọc “Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero” của Nguyễn Tập, cuốn du ký đến vùng Nam Mỹ của một người Việt khiến tôi tự hỏi, liệu rằng tác giả có cô đơn và tìm thấy bản thân sau những cuộc lang bạt không bến bờ như vậy.



 Câu hỏi thường gặp nhất đối với dân du lịch hẳn là “Bạn đi được bao nhiêu nước rồi? Butan đang hot, bạn đến đó chưa?”. Thiết nghĩ, chuyện đi du lịch hệt như chuyện xin việc, lập gia đình hay sinh con. Tất cả đều được làm theo một khuôn mẫu nhất định để chắc rằng bản thân chúng ta đứng trên mức trung bình. Nếu đọc Hoàng tử bé, hẳn bạn sẽ nhớ cậu bé đã nói rằng: “Người lớn rất thích những con số. Khi bạn bảo họ rằng bạn vừa làm quen một người bạn mới, họ chẳng hề hỏi rằng giọng nói người bạn ấy ra sao, hay người bạn đó thích chơi cái gì? Thay vì thế, họ chỉ quan tấm đến việc người bạn đó bao nhiêu tuổi và bố cậu ta kiếm được bao nhiêu tiền. Họ nghĩ là với những con số ấy họ sẽ biết rõ về người bạn mới này”. 

 Điều này là một thực tế khá cay đắng mà bất kỳ ai cũng gặp phải dù là bạn đi du lịch. Xã hội đặt ra những cột mốc khi chạm chân đến vùng đất mới, đề ra những con số để đóng dấu khi bước vào vùng lãnh thổ xa lạ. Giả dụ như, 20 tuổi - bạn phải đi được khắp châu Á, 30 tuổi - bạn phải đủ tiền để đến được châu Âu. Hay điều phổ biến khác chúng ta thường gặp là công việc làm thu nhập bao nhiêu một tháng, lấy chồng cưới vợ lập gia đình mua được bao nhiêu căn nhà và sinh được bao nhiêu đứa con. Những tên địa điểm, những con số liệt ra để chứng minh rằng bạn đang nằm trong vùng an toàn, bạn sống đủ hạnh phúc, bạn ở trong một khuôn khổ đủ yên bình để không phải lo sợ điều gì: không sợ mình trải nghiệm ít hơn kẻ khác, không run rẩy đói nghèo hơn người khác và không thiếu thốn để thấy ít hạnh phúc hơn số đông còn lại.

 Nhưng ý nghĩa của những chuyến đi lang bạt một mình, thực sự là gì?

Và ý nghĩa của công việc ta làm, người ta yêu, gia đình ta xây dựng cốt lõi là hình thù thế nào?

 Chúng ta thường bị ám ảnh bởi ánh nhìn của kẻ khác, nhất là khi mạng xã hội đã ăn sâu vào một phần đời sống của mỗi người thì “đòn phán xét” của kẻ xa lạ bỗng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và ta cũng khao khát sự đón nhận của người khác hơn bao giờ hết.



 Khi đọc sách của Nguyễn Tập, được biết đến như một nhà báo từng công tác tại báo Pháp Luật, báo Tuổi trẻ và hiện đang làm việc tại báo Thanh Niên, rất dễ dàng để nhận thấy sự không tô vẽ, giật gân, son phấn trong sách của anh. Và thứ mà anh hướng đến trong suốt 9 tháng du ngoạn vùng đất Nam Mỹ kỳ bí không có một cái đích nào cụ thể cả, chỉ là một trời chi tiết, một bầu văn hoá, một vùng ma mị cùng những con người mộc mạc, chân thành, nghèo khổ hiện lên ngồn ngộn theo dặm chân của kẻ du hành. Anh không check-in, không khoe mẽ, không đao to búa lớn nhưng chính sự cần mẫn với đời sống buộc người đọc không thể rời mắt khỏi cơn lao mình vồ vập của tác giả. Trong sách, một kẻ tự thân đẩy mình vào rừng rậm, một kẻ lãng tử đi trên cung đường Inca huyền thoại, một kẻ dũng cảm bước vào lãnh địa của những kẻ bịt mặt Zapatista, một kẻ lãng tử ngồi hát khúc nhạc Việt giữa quê hương Bolero ngọt lịm hiện lên khiến người đọc chẳng thấy bóng dáng của sự cô đơn dù rằng tác giả độc hành trong suốt chặng đường.

 Tác giả đi không phải để bắt loa cho giang hồ biết là đã tới đó, đi không phải để chấm điểm mà đi để tận hưởng sống, để riết róng sống không buông lơi dù một giây cung đường mình chọn. Nếu các bạn đã từng coi những bộ phim tài liệu dư địa chí trên Discovery, Natioanl Geopraphic hẳn sẽ nhớ có những người đã chết la liệt trên con đường đến đỉnh Everest. Người ta chết trên đường đi, khi ấy đích đến chỉ là ý nghĩa ảo tưởng. Thực chất, người ta đi để trải nghiệm quá trình, không phải là đích đến cụ thể. Quá trình ấy là sự dấn thân vào những vùng văn hoá khác nhau, những trở lực khác nhau, khí hậu và cách ứng xử với văn hoá bản địa khác nhau.



 Ở cuốn du ký “Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero” này, bạn sẽ thấy chất liệu thực tế đi vào trong trang sách ngồn ngột. Tác giả hấp tấp sống, vồ vập uống cạn mọi tinh hoa để kể lại cho bạn đọc nghe những câu chuyện từ bùa chú, ma thuật, bói toán còn sót lại nơi những đô thị song trùng đời sống văn minh – hoang dã và hơn hết là những kiếp người nghèo khổ nhưng đầy bao dung, vị tha như chất đời tươi mát rưới lên chặng đường khắc nghiệt đầy gió bụi mà tác giả đi qua. Khép lại trang sách, sự hối thúc trải nghiệp dâng lên xây đắp thêm một niềm tin rằng, chúng ta có thể cô độc trên hành trình của riêng mình nhưng tuyệt đối sẽ chẳng cô đơn vì những con người ta gặp gỡ, những cung đường ta đi qua, những thứ ta đã trải nghiệm sẽ làm nên ta của hiện tại để rồi chúng ta có thể nới rộng vùng an toàn của mình, gạt đi những khuôn phép, dẹp bỏ những con số và tự hào như tác giả kể lại trong quyển sách: “Tôi có thể bỏ cả cuộc đời để tìm hiểu Nam Mỹ”.

 First News -Tri Viet Publishing Co., Ltd.
11H Nguyen Thi Minh Khai, Ben Nghe Ward, District 1, HCMC
Tel: (84.8) 38227980 (Ext: 17)      Fax: (84.8) 38224560
Phone: 0934026006                website  facebook