Cuộc chiến Covid-19 tận nhà bệnh nhân

MỸ-Ruth Caballero dừng lại trước nhà bệnh nhân. Cô bọc tay nắm cửa căn hộ trong một chiếc túi nhựa, mặc áo bảo hộ, đeo mặt nạ N95.

Cô cũng sử dụng tấm che mặt, mũ trùm và bọc giày, luôn khử khuẩn giữa mỗi công đoạn. Cuối cùng, cô đeo thêm hai chiếc găng tay, sẵn sàng gặp bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của mình. 

Caballero là một y tá chăm sóc sức khỏe tại nhà ở New York.

Sau ba tuần điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân của cô được về nhà, song sức khỏe vẫn quá yếu để tự mình sinh hoạt.

"Anh đã hồi phục và được xuất viện, anh đúng là điều kỳ diệu đấy. Giờ thì hãy cùng cố gắng để không phải trở lại đó nhé", Caballero nói với người đàn ông.


Y tá Ruth Caballero đeo găng tay trước khi chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: AP

Số bệnh nhân xuất viện cần theo dõi y tế tại Mỹ tăng lên nhanh chóng. Nhiều người chưa đủ sức khỏe để tự sinh hoạt một mình, các y tá và điều dưỡng tại nhà trở thành nhân viên y tế tuyến đầu, tham chiến chống dịch Covid-19. Những người vốn có nhiệm vụ giúp đỡ khoảng 12 triệu bệnh nhân cả nước, từ khâu tắm rửa đến tiêm truyền, giờ đây đối mặt với nguy cơ lây nhiễm ngang ngửa bác sĩ điều trị trực tiếp.   

Người dân được yêu cầu cách ly xã hội và giữ khoảng cách an toàn, hầu hết điều dưỡng và y tá vẫn thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân. Một số công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyển sang làm việc trực tuyến, song chiếc điện thoại tiên tiến nhất cũng không thể hỗ trợ người bệnh thay quần áo hoặc tắm rửa.

Giống với những đồng nghiệp ở bệnh viện, các y tá tại nhà cũng đối mặt với tình trạng khan hiếm thiết bị bảo hộ, tuy nhiên ít ai biết đến điều này. Họ phải tìm kiếm vật tư tại cửa hàng bán đồ làm móng, chăm sóc toàn thân, thậm chí tiệm xăm hình, theo William Dombi, Chủ tịch Hiệp hội Chăm sóc Sức khỏe Tại nhà Toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng trở thành thách thức đối với ngành y tế. Song đây cũng là khoảnh khắc đầy tự hào đối với những người vẫn ngày đêm thầm lặng cống hiến, dù chẳng ai nhớ mặt đặt tên.

"Đại dịch là thử thách, nhưng cũng là cơ hội. Chúng tôi được phép thử nghiệm những điều có thể làm được", ông Dombi cho biết.

Bệnh nhân Covid-19 xuất viện coi chăm sóc tại nhà là giải pháp tình thế trong thời gian phải theo dõi sức khỏe sau hồi phục. Tuy nhiên, nhiều người vẫn gặp khó khăn khi tìm kiếm nhà cung cấp dịch vụ này.   

Sau khi được chẩn đoán mắc Covid-19 tháng trước, Penny Wittbrodt liên lạc với một số công ty tại thành phố Winchester, bang Kentucky. Không cơ sở nào chịu tiếp nhận người nhiễm nCoV dù bác sĩ của bà đã đảm bảo có thể lắp đặt thiết bị oxy tại nhà. Có tiền sử hen suyễn và nhiều vấn đề về hô hấp, sức khỏe của Wittbrodt hiện vẫn chưa ổn định, dù đôi khi bệnh tình có vẻ thuyên giảm.   

Là một y tá đã nghỉ hưu, bà cảm thấy công việc chăm sóc tại nhà trong đại dịch thực sự có ý nghĩa.

Americare, một công ty có trụ sở tại New York, đã tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân Covid-19 điều trị ngoại trú kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Mỹ. 200 khách hàng quen thuộc khác cũng đươc xét nghiệm dương tính hoặc có biểu hiện nhiễm virus.   

Dù đã kêu gọi hỗ trợ vật tư y tế và thiết bị bảo hộ, công ty vẫn phải đong đếm từng chiếc mặt nạ N95 còn lại trong kho.

"Chúng tôi làm hết những gì có thể, nhưng phải thừa nhận, dường như tất cả đều không đủ", Bridget Gallagher, phó chủ tịch của công ty, kiêm thành viên Hiệp hội Chăm sóc Sức khỏe New York, cho biết.

Nhiều cơ sở trải qua tình trạng khan hiếm vật tư từ trước đại dịch. Covid-19 quét qua khiến tình trạng này trở nên trầm trọng hơn nhiều. Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân một cách khó khăn, trong khi rủi ro chính mình cũng nhiễm virus.   

Đối với người cao tuổi có bệnh nền, nCoV gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, có thể tử vong. Hầu hết đều có biểu hiện nhẹ, thậm chí không gặp bất cứ vấn đề gì. Người bệnh thậm chí không biết mình nhiễm virus. Điều này trở thành thử thách đối với các y tá chăm sóc tại nhà. 


Y tá Caballero cho rằng chăm sóc bệnh nhân Covid-19 là nhiệm vụ đáng tự hào. Ảnh: AP

Adassa Clarke, một y tá tại Washington thường xuyên đeo găng tay khi làm việc. Điều này khiến bệnh nhân Alzheimer của bà hoảng sợ.

"Có chuyện gì vậy? Tôi nhiễm virus à? Có phải tôi sắp chết không", người bệnh bật khóc.

Dù bệnh nhân không mắc Covid-19, Clarke vẫn luôn bảo hộ cẩn thận để phòng rủi ro. Ở độ tuổi 64, bà là đối tượng dễ nhiễm nCoV hơn cả. Cố gắng không ra khỏi nhà, y tá Clarke vẫn sẵn sàng đến tận nơi chăm sóc bởi "bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu".

"Tôi có cảm giác càng làm nhiều, tôi càng muốn giúp đỡ họ", bà nói.

Về phần Ruth Caballero, khi được thông báo sẽ tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, cô thừa nhận: "Không thể nói rằng tôi không lo lắng chút nào". Cô trở nên an tâm hơn khi được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ. Buổi thăm khám đầu tiên tại nhà cũng diễn ra suôn sẻ. Cô gọi lại vào buổi tối để kiểm tra và bệnh nhân cho biết đã có thể ngồi dậy bình thường.   

Y tá Caballero đang chăm sóc cho nhiều người mắc Covid-19 hơn. Họ trở lại nhà với tâm lý hoảng loạn, sợ hãi, nghĩ rằng bệnh viện "gửi họ về chờ chết". Cô luôn động viên tinh thần của tất cả, giúp đỡ họ hồi phục từng bước, từ ngồi thẳng trên giường, đến tự đi vào nhà tắm và ăn uống tại bàn bếp.   

"Đây là một thử thách. Dịch bệnh đã cướp đi mạng sống của nhiều người. Tôi cảm thấy biết ơn, vinh dự và tự hào khi các bệnh nhân có thể trở về nhà", cô chia sẻ.

Theo vnexpress.net